Để có thể sửa chữa bất cứ thiết bị gì thì chúng ta cần phải hiểu cấu tạo , nguyên lý hoạt động cũng như sơ đồ khối của thiết bị đó. Việc hiểu rõ thiết bị từ ngoài vào trong, sơ đồ khối cơ bản sẽ giúp bạn phân vùng sự cố hỏng hóc nhanh chóng mà không lan man sang những khối mạch không liên quan.Với kinh nghiệm sửa bếp điện từ lâu năm thì hầu hết bếp từ có sơ đồ khối như hình dưới đây.
Sơ đồ khối cơ bản của một bếp từ
Với sơ đồ khối như trên ta có thể thấy một bếp từ sẽ bao gồm các khối chính sau
( Hãy nắm vững các khối này để biết cách sửa bếp từ chuyên nghiệp )
Khối nguồn: Có nhiệm vụ tạo ra điện áp 5V và 18V một chiều từ điện áp xoay chiều 220V. Với những bếp từ đời cũ thì bộ nguồn này có sử dụng một biến áp thông thường khá to. Với bếp từ hiện đại thì phần mạch nguồn trên bảng mạch in sẽ rất nhỏ, không chiếm diện tích quá nhiều. Dấu hiệu của một bếp từ mất nguồn sẽ là cắm điện vào không có bất cứ một tín hiệu gì như đèn báo hoặc còi kêu.
Khối vi xử lý: Đây là một trong những linh kiện quan trọng nhất của một bếp từ. Nó là bộ não chính quyết định mọi hoạt động của bếp từ . Mọi thao tác của người dùng như bấm phím chọn chế độ sẽ được vi xử lý tiếp nhận và xử lý theo lệnh đó. Khi vi xử lý bị hỏng thì toàn bộ hoạt động của bếp từ bị tê liệt hoàn toàn. Với kinh nghiệm của cá nhân tôi thì hầu hết vi xử lý hoạt động ở hai chuẩn điện áp là 3.3 và 5V.
Khối công suất và điều khiển công suất: Khối này sẽ bao gồm các tụ điện lớn, IGBT, cầu diode, mâm dây và tầng kích IGBT với dấu hiệu nhận dạng là đường mạch in lớn, các mối hàn to. Điện năng xoay chiều 220V sẽ được nắn thành điện áp một chiều khoảng 300V để cung cấp năng lượng cho mâm dây biến thành từ trường nhờ vi xử lý điều khiển IGBT đóng cắt điện cho mâm dây. Khối này hỏng sẽ rất dễ nhận ra thông qua những dấu hiệu như cầu chì đứt, tụ điện phồng, IGBT cháy nổ.
Khối điều khiển và hiển thị: Là những linh kiện có tác dụng giao tiếp giữa người sử dụng bếp với bếp. Qua các phím nhấn điều khiển chúng ta có thể cài đặt chế độ nấu nướng phù hợp. Mọi chế độ hoạt động của bếp từ sẽ được hiển thị thông qua các đèn hiển thị và còi báo.
Khối cảm biến nhiệt độ: Biến đổi nhiệt độ thành tín hiệu điện cho vi xử lý tính toán để đo lường nhiệt độ của mâm dây, mặt kính và nhiệt độ của IGBT
Khối giám sát điện áp đầu vào: Gửi tín hiệu điện áp đầu vào cho vi xử lý để vi xử lý biết là điện áp có ổn định cho phép bếp từ chạy không
Khối cảm biến dòng điện: Gửi tín hiệu dòng điện chạy qua bếp thành tín hiệu điện áp cho vi xử lý tính toán nhằm mục đích bảo vệ quá dòng cũng như khống chế dòng điện qua bếp hoạt động ổn định
Khối quạt làm mát : Đóng cắt điện cho quạt làm mát để tản nhiệt cho các linh kiện điện tử bên trong bếp
Tác giả : Nguyễn Vĩnh Thắng
bạn có sơ đồ chi tiết bếp từ không
ReplyDelete