Monday, September 21, 2015

Kiến thức cơ bản của nghề điện tử (phần 2)

       Ở phần 1 chúng ta đã đi tìm hiểu về nguồn điện và điện trở, bạn nào chưa xem phần 1 thì có thể kích "vào đây". Xin nhắc lại một chút là các mạch biến đổi nguồn là những bộ phận quan trọng hàng đầu của bất kỳ thiết bị điện tử nào. Sau bài viết này tôi sẽ viết những bài chuyên sâu hơn về các dạng nguồn điện, thiết kế cũng như sửa chúng. Điện trở là một linh kiện cơ bản nhất, dễ hiểu nhất nhưng các bạn cũng cần nắm chắc hình dạng thực tế của nó, các thông số cần quan tâm khi sửa chữa...những điều này tôi đã nói rõ ở phần 1 rồi. Để tiếp tục tôi xin viết tiếp về một số linh kiện không thể thiếu trong kỹ thuật điện tử nói chung và nghề sửa điện tử nói riêng. OK, chúng ta bắt đầu nào. Ở bài viết trước tôi đã đánh số 1 cho mục nguồn điện, số 2 cho mục điện trở nên hôm nay tôi sẽ đánh tiếp theo thứ tự đó là số 3.


3) Tụ điện

       Là một linh kiện cơ bản trong kỹ thuật điện tử, tụ điện và cuộn cảm có nguyên lý hoạt động rất trừu tượng về mặt lý thuyết, về cách truyền dẫn dòng điện bên trong nó. Nhưng bạn không lo, điều đó cũng không quá quan trọng trọng đối với một người sửa điện tử. Chúng ta chỉ quan tâm đến những cái giúp chúng ta sửa được thiết bị mà thôi. Trên website tôi chỉ viết những cái để làm được việc chứ không nói những lý thuyết mạch cao siêu nhưng cuối cùng lại không thể hiểu về một thiết bị điện tử nào. Trong mạch điện thì  tụ đện có 3 chức năng chính là lọc nguồn, tạo lệch pha và tạo dao động. Với những siêu tụ thì nó còn được ví như một kho dự trữ năng lượng điện như pin và ắc quy vậy. Trên mạch điện thì tụ điện được ký hiệu là C.

a) Hình dạng thực tế
      Đây có lẽ là một linh kiện có nhiều hình dạng nhất trong mạch điện. Tụ điện phổ biến là có hình trụ, hình ống, hình hộp, hình cầu, hình lá ....rất nhiều hình thù bạn ạ. Hãy quan sát một số hình ảnh về tụ điện ở hình dưới đây

CÁC KIỂU TỤ ĐIỆN LOẠI CHÂN DÁN

CÁC KIỂU TỤ ĐIỆN LOẠI CHÂN CẮM

         Hoa mắt rồi phải không các bạn, các bạn hãy mở bất cứ một thiết bị nào như bếp từ, amply, đầu CD... ra  và xem tụ điện nằm ở đâu nha. Trước mắt chỉ cần biết nó nằm ở đâu trong các thiết bị điện tử là được rồi.

b) Các thông số kỹ thuật cần quan tâm.

       Có hai thông số cần quan tâm của tụ điện là giá trị điện áp chịu đựng và giá trị điện dung. Trong đó giá trị điện áp chịu đựng là điện áp cao nhất mà tụ có thể chịu đựng khi lắp vào mạch điện. Quá điện áp này thì tụ điện sẽ không chịu được và nổ như pháo. Giá trị điện dung đặc trưng cho khả năng tích điện của tụ điện được và được gọi là là Fara , giá trị điện dung càng lớn thì tụ tích điện càng nhiều.  Chẳng hạn một tụ điện trên thân có ghi là 16V, !000uF thì có nghĩa là tụ này có điện áp chịu đựng là 16V, điện dung của tụ là 1000 micro Fara. Ngoài ra còn một thông số cũng khá quan trọng đó là nhiệt độ làm việc của tụ. Với các thiết bị điện tử làm việc ở nhiệt độ cao như nồi cơm điện tử , lò nướng thì thông số này cần được lưu ý.

c) Phân loại
     
       Được chia làm hai loại là tụ điện phân cực và tụ điện không phân cực. Với tụ điện phân cực thì khi mắc vào mạch điện phải chú ý hai cực dương (+) và cực âm (-) của nó. Còn với tụ điện không phân cực thì mắc theo chiều nào cũng được

d) Cách đọc trị số điện dung của tụ

Trên thân tụ điện có ghi giá trị điện dung theo hai kiểu.
- Kiểu một: Ghi trực tiếp giá trị cụ thể như ví dụ ở phần trên, kiểu này nhìn thấy thì đọc được ngay.
- Kiểu hai: Đánh số trên thân tụ bằng ba con số ví dụ 104, 103, 105, 684.....Cách đọc như sau: lấy hai con số đầu giữ nguyên và thêm số số 0 vào sau hai chữ số đầu bằng số thứ 3 rồi đọc với đơn vị pico Fara. Ví dụ một tụ điện ghi là 684 thì ta lấy số 68 giữ nguyên rồi thêm 4 con số 0 vào sau nó thì được 680000 pico Fara = 680 nano Fara = 0.68 micro Fara. Chú ý là với tụ được đánh số kiểu này thì đơn vị của nó là pico Fara nha.

e) Cách ghép tụ điện 

      Việc ghép nối tụ điện cũng giống như cách ghép nối điện trở ở bài viết trước trong phần 1. Tuy nhiên cách tính giá trị thì ngược lại với điện trở

Cách ghép nối tụ điện
      Chú ý là khi ghép song song thì giá trị điện áp chịu đựng của tụ điện giữ nguyên còn giá trị điện dung tăng lên. khi ghép nối tiếp thì giá trị điện áp chịu đựng tăng lên còn giá trị điện dung giảm xuống.

f) Các chú ý khi sửa chữa

-       Khi thay thế một tụ điện mới thì phải thay tụ có điện áp chịu đựng cao hơn hoặc bằng tụ điện cũ. Giá trị điện dung của tụ cũng phải tương đương. 
-      Tuyệt đối không cắm tụ điện vào mạch nếu như không biết điện áp trên mạch là bao nhiêu vôn ( cắm nhầm tụ vào điện áp cao là nổ như pháo đấy). 
-       Trước khi kiểm tra thay thế tụ thì cần phải xả điện trong tụ bằng cách cho 2 đầu bóng đèn sợi đốt vào hai chân tụ ( nếu không xả có thể làm bạn bị giật hoặc làm hỏng mạch điện lân cận). 
-     Khi thay tụ thì phải chú ý là nó là dạng tụ phân cực hay là dạng tụ không phân cực
-      Có thể ghép nối những tụ có sẵn để tạo được ra những tụ có giá trị như mình mong muốn.
-  Các mạch điện thường có tụ điện như: Mạch nguồn, mạch tạo trễ, mạch tạo xung, trong quạt điện, máy bơm, các mạch điều khiển từ xa và các radio...
 - Các tụ thường bị thay thế do tụ giảm trị số điện dung, tụ bị nổ, tụ bị gỉ chân, tụ bị phồng
4) Cuộn cảm
      Nhắc đến điện trở và tụ điện thì không thể bo qua cuộn cảm được rồi. Trong vật lý phổ thông thì 3 linh kiện này được nhắc đến thường xuyên trong phần mạch điện xoay chiều. Chức năng của cuộn cảm trong mạch điện gồm các chức năng chính là lọc nguồn, kết hợp với tụ để tạo dao động, tạo lệch pha, làm kho năng lượng điện trong mạch nguồn xung. Trên các board mạch in và sơ đồ mạch điện thì cuộn cảm được ký hiệu là L.

a) Hình dáng thực tế

       Cuộn cảm có cấu tạo rất đơn giản chỉ là một cuộn dây được quấn quanh một lõi nào đó. Dưới đây là hình ảnh một số cuộn cảm phổ biến

HÌNH DẠNG THỰC TẾ CỦA CUỘN CẢM VÀ KÍ HIỆU CỦA NÓ

b) Các thông số kỹ thuật cần quan tâm

       Khi sử dụng cuộn cảm cần lưu ý đến hai thông số sau:
- Giá trị độ tự cảm có đơn vị là Henry, nó đặc trưng cho khả năng sinh ra dòng điện cảm ứng bên trong nó khi có dòng điện xoay chiều chạy qua nó.
- Giá trị dòng điện hiệu dụng cho phép chạy qua nó. Nếu dòng điện chạy qua nó mà lớn hơn giá trị này thì cuộn cảm sẽ đứt vì nóng lên.

c) Cách đọc trị số của cuộn cảm

Tương tự như là đọc tụ điện nhưng với đơn vị là micro Henry  (uH) hoặc mili Henry (mH)

d) Cách ghép nối và công thức tính 

- Hoàn toàn giống  với điện trở. Mắc nối tiếp thì điện cảm tăng và mắc song song thì điện cảm giảm. Công thức tính giống như mắc điện trở tôi đã nói trong bài viết trước. (phần 1)

e) Các lưu ý trong sửa chữa

- Cuộn cảm rất ít khi chết trong các thiết bị điện
- Khi thay cuộn cảm cần đúng trị số điện cảm và giá trị dòng điện định mức phải cao hơn hoặc bằng cuộn cảm cũ
- Các mạch điện thường có cuộn cảm: Mạch nguồn xung, nam châm điện, van điện từ, các mạch tạo dao động cao tần, các thiết bị vô tuyến, các bộ điều khiển từ xa RF, bếp từ , nồi cơm điện cao tần...

      Bài học này tôi đã giới thiệu cho các bạn hai linh kiện cơ bản đó là tụ điện và cuộn cảm. Còn một phần nữa trong kiến thức cơ bản của nghề điện tử đó là linh kiện bán dẫn  nhưng tôi sẽ viết ở phần 3 vì nó khá dài lên viết ở bài này các bạn sẽ không tiện theo dõi. Để tổng kết lại tôi sẽ đưa ra những câu hỏi dưới đây cho các bạn tự tổng hợp kiến thức nha
 - Ký hiệu và phân loại tụ điện và các thông số kỹ thuật cần lưu ý trong sửa chữa là gì?
- Hình dạng thực tế của tụ điện và cách đọc thông số của chúng?
- Cách ghép nối tụ điện như thế nào
- Trong sửa chữa thực hành cần chú ý điều gì về tụ điện, nó thường thấy ở mạch điện nào và thiết bị nào?
      Với cuộn cảm thì các bạn cũng tự tổng hợp kiến thức như trên nha. Chúc các bạn mau chóng trở thành một kỹ thuật viên điện tử chuyên nghiệp. 
      Mọi thắc mắc liên quan đến kĩ thuật điện tử, tự động hóa xin các bạn cứ để lại bình luận ở dưới bài viết hoặc liên hệ với tôi theo số điện thoại 0983.603.472 để được tư vấn.

                             ĐIỆN TỬ NVT -  HỌC ĐIỆN TỬ KHÔNG KHÓ
  

No comments :

Post a Comment

Có nhận xét mới